Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Đề tài khoa học > Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta

Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta

10/12/2013
Đề tài nghiên cứu khoa học : “Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta” do TS. Nguyễn Xuân Phong, giảng viên khoa Chính trị học làm chủ nhiệm, đã được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở Học viện đánh giá đạt loại xuất sắc. Sau đây là tóm tắt đề tài trên:

1.     Tính cấp thiết của đề tài

Dân là gốc (của nước) - tư tưởng chính trị xuyên suốt trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã được lịch sử dân tộc kiểm chứng: Chỉ khi nào chính quyền an dân, vì dân, trọng dân thì nước thịnh, khi nào chính quyền xa dân, xem thường dân thì nước suy. Dân là gốc trở thành một triết lý chính trị song hành, định hướng, quyết định sự thịnh hưng hay suy vong của quốc gia. Tư tưởng chính trị này được nhiều bậc trí thức cùng các vương triều phong kiến Việt Nam coi trọng và vận dụng thành công trong việc củng cố quyền lực, việc tập hợp sức mạnh của dân vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết quốc gia. Cùng với quá trình phát triển của xã hội, tư tưởng chính trị dân làm gốc được bổ sung thêm những giá trị mới tiến bộ, nhằm đáp ứng được đòi hỏi mới. Đến thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng Dân là gốc đó đã được phát triển lên một trình độ mới, đáp ứng được những đòi hỏi lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp, mang lại hạnh phúc cho đại đa số nhân dân.

    Từ khi mới ra đời, dưới lý luận của chủ nghĩa Mác- Lê nin, Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, cách mạnh xã hội chủ nghĩa là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân là chủ thể của cách mạng, động lực cho cách mạng thành công và đồng thời cũng là mục tiêu của cuộc cách mạng. Tư tưởng chính trị dân là gốc là bài học kinh nghiệm, đường lối chiến lược góp phần vào thành công của cách mạng Việt Nam. Bài học đó không chỉ có ý nghĩa trong thực tiễn cách mạng  mà trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

          Qua gần 30 năm đổi mới đất nước mà “tác giả” và động lực cũng chính là nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giai đoạn hiện nay là việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập sâu, rộng và đời sống kinh tế khu vực và thế giới đòi hỏi vai trò của nhân dân là vô cùng quan trọng mang tính quyết định đến thành công.

Mặt khác, trong quá trình phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, chúng ta không thể không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch thổi phồng, bơm to những hạn chế của chúng ta nhằm gây giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, gây sự kích động nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, việc nghiên cứu những tư tưởng chính trị trong lịch sử dân tộc để tìm ra những giá trị có ý nghĩa to lớn nhằm Ôn cố nhi tri tân. Do vậy, việc nghiên cứu tư tưởng chính trị dân là gốc có ý nghĩa góp phần thực hiện mục tiêu trên.

Chính vì lẽ đó vấn đề: “Tư tưởng chính trị dân là gốc trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta” được chúng tôi chọn làm đề tài nghiên cứu khoa học.

2.     Tình hình nghiên cứu

Dân là gốc là nội dung gây sự chú ý của nhiều giai cấp, tầng lớp, nhân sĩ, trí thức từ xưa đến nay. Vấn đề này là tâm điểm chú ý của mọi thời đại, mọi chế độ xã hội ở Việt Nam:

Bàn về tư tưởng chính trị, lịch sử dân tộc, lịch sử tư tưởng nói chung có các đề tài, công trình sau:

- Công trình: “Lịch sử tư tưởng Việt Nam” của Nguyễn Tài Thư do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1993. Cuốn sách đã khái quát lại toàn bộ lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời cổ đại. Trong quá trình phân tích đó, tác giả đã chỉ ra những giá trị của cha ông ta trong lịch sử, trong đó có tư tưởng nhân nghĩa.

- Cuốn sách: “Lịch sử tư tưởng chính trị” của Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật phát hành năm 2001. Cuốn sách trình bày khái quát lịch sử tư tưởng chính trị của nhân loại từ phương Đông qua phương Tây qua các thời kỳ: Cổ đại; Trung đại; Cận đại; Giai đoạn Mác-Lênin, Hồ Chí Minh và Việt Nam.

- Bài viết: “Suy ngẫm về những giá trị trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam” đăng trên tạp chí Thông tin Chính trị học, số 3, năm 1999 của GS Hồ Văn Thông. Bài viết đã phân tích những giá trị tư tưởng chính trị của các thế hệ cha ông đúc kết trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

- Bài viết “Tổng quan về lịch sử tư tưởng chính trị” đăng trên tạp chí Thông tin Chính trị học, số 4, năm 2000 của TS. Nguyễn Văn Vĩnh. Bài viết cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát về lịch sử tư tưởng chính trị của nhân loại.

- Tác giả Lê Văn Quán với cuốn sách: “Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam từ Bắc thuộc đến thời Lý-Trần” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật phát hành năm 2008. Cuốn sách đã phân tích, bình luận những sự kiện lịch sử diễn ra trong suốt thời kỳ Bắc thuộc đến thời kỳ hưng thịnh của phong kiến Việt Nam độc lập.

- TS. Nguyễn Hoài Văn chủ nhiệm đề tài khoa học: “Sự phát triển của tư tưởng chính trị Việt Nam từ thế kỷ X đến XV”. Đề tài đã khảo sát toàn bộ tư tư tưởng chính trị ở nước ta qua năm thế kỷ của phong kiến độc lập.

- GS Văn Tạo với bài viết: “Các cuộc cải cách trong lịch sử” đăng tải trên tạp chí Xưa và Nay năm 2009 đã chỉ ra các cuộc cải cách lớn đã diễn ra và vai trò của nhân dân đối với thành công của các cuộc cải cách đó.

Bàn về những nội dung liên quan trực tiếp đến đề tài, có các công trình với các tác giả sau:

- Tác giả Nguyễn Hoài Văn với cuốn sách: “Tìm hiểu tư tưởng chính trị Nho giáo Việt Nam từ Lê Thánh Tông đến Minh Mệnh” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2002. Cuốn sách đã phân tích sự vận dụng tư tưởng chính trị Nho giáo vào quá trình trị nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn

- Công trình: “Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đến tư tưởng lấy dân làm gốc của Hồ Chí Minh” của tác giả Đỗ Thị Hồng Thu, khoa Việt Nam học, Đại học sư phạm Hà Nội, năm 2008. Công trình đã phân tích sự phát triển giá trị trọng dân của dân tộc từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh. Đây là sự phát triển phù hợp ở các giai đoạn lịch sử do yếu tố khách quan chi phối.

- Luận văn thạc sĩ “Tư tưởng chính trị Lấy dân làm gốc trong các triều đại phong kiến Việt Nam độc lập từ thế kỷ X đến thế kỷ XV và ý nghĩa của nó đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay” của Lê Thị Oanh năm 2003. Luận văn đã phân tích tư tưởng chính trị lấy dân làm gốc qua năm thế kỷ trong thời kỳ phục hưng của dân tộc. Luận văn đã chỉ ra ý nghĩa của tư tưởng này đối với tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới.

- Luận văn tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh: “Những giá trị trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam truyền thống và ý nghĩa của nó đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay” năm 2004.

- Luận văn thạc sĩ; “Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh” năm 2010, của Cao Phan giang Đại học Cần Thơ. Luận văn đã phân tích sự phát triển tư tưởng nhân nghĩa điển hình ở xã hội phong kiến là Nguyễn Trãi và tư tưởng ấy được Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới về chất.

- Tác giả Vũ Văn Dần với bài viết: “mấy nét về quan điểm lấy dân làm gốc của Hồ Chí Minh” đăng trên website của báo Văn nghệ Quân đội  năm 2009.

- ThS. Nguyễn Năng Nam: “Xây dựng chính quyền “Thân dân” theo tư tưởng Hổ Chí Minh”, Hà Nội năm 2011.

Nhìn chung các công trình, bài viết đã phần nào chỉ ra những nội dung xung quanh vấn đề tư tưởng chính trị, tư tưởng lấy dân làm gốc và sự vận dụng những tư tưởng chính trị ấy trong các giai đoạn lịch sử.

Tuy nhiên, chưa có tác phẩm nào nghiên cứu toàn diện, đầy đủ tư tưởng Dân là gốc dưới giác độ chính trị được đề cập trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta trong thời kỳ đấu tranh độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, đây chính là khoảng chống để cho chúng tôi tập trung nghiên cứu.

3.     Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

Mục tiêu

Trên cơ sở tìm hiểu tư tưởng chính trị dân là gốc trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng của đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề tài rút ra ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiệm vụ

Để thực hiện được mục tiêu trên, đề tài tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:

+ Phân tích, đánh giá và so sánh tư tưởng chính trị “Dân là gốc” qua các giai đoạn trong lịch sử dân tộc.

+ Phân tích và đánh giá việc vận dụng và phát huy tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng cộng sản Việt Nam trong thực tiễn cách mạng.

4.     Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận

Đề tài vận dụng chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vị trí và vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận: Đề tài sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Phương pháp nghiên cứu cụ thể: Đề tài sử dụng các phương pháp: Lịch sử-Lôgich; Phân tích- Tổng hợp; Hệ thống, so sánh…

5.     Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượngnghiên cứu

Đề tài tập trung nghiên cứu những tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta.

Phạm vi nghiên cứu

Đề tài tập trung nghiên cứu tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử của dân tộc ta qua các giai đoạn và sự vận dụng của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đấu tranh và xây dựng đất nước.

6.     Kết cấu của để tài

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài  gồm 2 chương, 6 tiết.

Chương 1:

CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ “DÂN LÀ GỐC” TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

1.1. Cơ sở hình thành tư tưởng chính trị “Dân là gốc”

1.2. Quá trình phát triển tư tưởng chính trị Dân là gốc trong lịch sử Việt Nam

Chương 2:

SỰ VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ “DÂN LÀ GỐC” TRONG QUÁ TRÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM

2.1. Giai đoạn lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ (1930-1954)

2.2. Giai đoạn lãnh đạo cách mạng xây dựng đất nước ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975)

2.3. Giai đoạn lãnh đạo cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1986)

2.4. Thời kỳ đổi mới đến nay
Theo Học viện báo chí và truyên truyền


 

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top