Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Nghiên cứu trao đổi > Bài học Cách mạng tháng Tám và vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay

Bài học Cách mạng tháng Tám và vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay

29/07/2014
     Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước nhân dân ta và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ và chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng ta từ một đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại những bài học vô cùng to lớn. Đó là bài học về xây dựng một Đảng Mác xít vững mạnh về tư tưởng, xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp, có tổ chức đảng trong sạch, ăn sâu bám rễ trong quần chúng; đó là bài học về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ, đề ra những chỉ đạo và chính sách chính xác, kịp thời; đó là bài học nắm vững nguyên tắc giành, giữ và bảo vệ chính quyền, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng hợp lý đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân; đó là bài học xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung; đó là bài học về kết hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; đó là bài học phân hóa kẻ thù, biết mình biết địch, nhân nhượng có nguyên tắc; đó là bài học xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 tại vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đã đơn phương vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc cũng như Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa ASEAN - Trung Quốc (DOC). Hành động này của Trung Quốc là muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm biển đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.
Ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng biển của Việt Nam, Trung ương Đảng đã kịp thời đề ra chủ trương để xử lý tình hình. Thứ nhất, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống, tàu dịch vụ ra khỏi vùng biển của Việt Nam ; thứ hai, kiên trì giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, giữ quan hệ láng giềng hữu nghị với nhân dân Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Trên cơ sở hai chủ trương chính đó, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước đã tiến hành toàn diện đấu tranh ngoại giao cả song phương và đa phương; đấu tranh ngăn chặn trên vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép bằng lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm như thực thi pháp luật Việt Nam và quốc tế về biển; thông tin kịp thời, thường xuyên và chân thực những diễn biến trên thực địa nhằm làm cho nhân dân ta và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình hiểu rõ tình hình đang diễn ra. Việt Nam luôn sử dụng các biện pháp hòa bình, đồng thời yêu cầu Trung Quốc cũng giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và những thỏa thuận trước đây giữa hai nước.
Đến ngày 16/7/2014, sau 75 ngày hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng toàn bộ tàu hộ tống khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; nhưng ngay khi việc dừng hạ đặt giàn khoan trái phép thì họ đã tiếp tục bằng hai sự việc khác là khảo cổ và cố gắng để đăng ký cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển” với UNESCO để bảo vệ tuyên bố chủ quyền mà họ không hề có ở Biển Đông. Vì vậy, vụ giàn khoan Hải Dương-981 chỉ là một vụ việc trong một chuỗi các vụ việc mà Trung Quốc đã và sẽ làm mà bản chất gốc rễ của vấn đề là “đường lưỡi bò” phi lý. Cho nên, chúng ta không bao giờ được mất cảnh giác vì vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông là vấn đề dài hạn, phải chuẩn bị mọi phương án để có thể chủ động và không bao giờ bất ngờ, bị động trước các hành vi của Trung Quốc.
Vận dụng những bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở Biển Đông hiện nay có thể biểu hiện trên những vấn đề sau:
1- Xác định đối tượng đấu tranh, đó là lãnh đạo Trung Quốc, các thế lực có mưu đồ bành trướng, muốn chiếm Biển Đông, xem Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc, chứ không phải nhân dân Trung Quốc; một bộ phận nhân dân Trung Quốc có chính nghĩa gần đây đã lên tiếng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là phi lý, khó nước nào có thể chấp nhận được; qua các thông tin trên báo chí chúng ta thấy, hầu hết các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế đều không ủng hộ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, sử dụng nhiều tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam cũng như yêu sách đường lưỡi bò vô lý. Tuy nhiên, không nước nào có thể lựa chọn được láng giềng, Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, nên chúng ta phải tìm cách chung sống hòa bình để ổn định, phát triển đồng thời phải giữ vững bằng được chủ quyền lãnh thổ mà tổ tiên đã để lại. Về vấn đề này, Vua Quang Trung là người khẳng định rất rõ ràng, đanh thép có giá trị thời sự đến tận ngày hôm nay, đó thời điểm cuối năm 1788 ngay khi kéo quân đến Tam Điệp trên đường ra Thăng Long đánh quân Thanh, Vua Quang Trung đã tính đến việc giải hòa với nhà Thanh sau khi thắng trận để ổn định mạn bắc, phát triển đất nước. Ông nói với quần thần như sau: “Chúng nó sang phen này, là mua cái chết đó thôi. Ta ra quân chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 lần ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất lấy làm xấu hổ lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm (Ngô Thời Nhậm - tg) dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa” (theo sách Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim).
2- Xác định, giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối và phương châm cách mạng phù hợp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia là “dĩ bất biến”, còn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thậm chí bằng biện pháp quân sự (bạo lực cách mạng) khi chúng ta bị dồn đến đường cùng là “ứng vạn biến”. Phải tỏ rõ cho nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc thấy chúng ta chỉ muốn hòa bình , muốn giữ lấy biển đảo mà tổ tiên để lại theo luật pháp quốc tế quy định, lên án mạnh mẽ hành động phi pháp của phía Trung Quốc dùng xâm lược, vẽ lại bản đồ để khẳng định chủ quyền là việc làm trái đạo lý, trái luật pháp quốc tế, không thể chấp nhận trong thời đại ngày nay.
3- Huy động lực lượng toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại vào cuộc đấu tranh chung, Hồ Chủ tịch đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Thời gian qua, những lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã dũng cảm, kiên trì vượt qua mọi thách thức, gây hấn của phía Trung Quốc để kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam; nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã biểu thị lòng yêu nước bằng rất nhiều hình thức phong phú, sáng tạo để cùng lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta kiên trì tố cáo hành vi ngang ngược của nhà nước Trung Quốc trên trường quốc tế để tranh thủ dư luận tiến bộ trên toàn thế giới; đồng thời chúng ta kiên trì dung ngoại giao để các nước có chung quyền lợi trên biển Đông hợp sức với chúng ta ngăn chặn âm mưu và hành động độc chiếm biển Đông của Trung Quốc như cách mà Hồ Chủ tịch đã làm trong việc tranh thủ các lực lượng tiến bộ bên ngoài, phát huy nội lực bên trong tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
4- Không ngừng xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì vậy điều kiện tiên quyết là phải duy trì hòa bình, ổn định thì mới phát triển kinh tế - xã hội bền vững được. Để bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó xây dựng tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm, chúng ta trang bị vũ khí để phòng thủ, tự vệ; xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh thì chúng ta mới có thể tự mình bảo vệ chủ quyền được, những hành động của Chính phủ thời gian gần đây như tăng cường xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kêu gọi hợp tác đầu tư ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại để vươn khơi xa đánh bắt hải sản, xây dựng “Đảo thanh niên” góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền là những việc làm hết sức đúng đắn và cần kíp trong tình hình hiện nay.
Năm tháng qua đi nhưng Cách mạng Tháng Tám 1945 - một cuộc đổi đời thực sự của dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam, vẫn là sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam, với đầy đủ ý nghĩa thời đại lớn lao và những bài học kinh nghiệm có giá trị. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là lâu dài, gian khổ, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, kiên trì, vận dụng đúng đắn những bài học rút ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử nhằm đạt mục đích cuối cùng là độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.   
Phạm Thị Hoàng Hoanh
|<<1 2 3 4 5 6 7 8 9 10...>>|

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top