Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Nghiên cứu trao đổi > Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954)

Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954)

06/05/2022
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị lỗi lạc, là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", mà còn là nhà quân sự thiên tài. Tư tưởng quân sự của Bác là cả một kho tàng kinh nhiệm thực tiễn được đúc kết ngay trên chiến trường Việt Nam mà Người đã trực tiếp lãnh đạo toàn quân, toàn  dân ta đánh bại kẻ thù hùng mạnh hơn ta rất bội lần. Trong những chiến thắng vang dội, lẫy lừng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác, mà điển hình nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng làm chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách góp phần làm sụp đổ thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Tiếp nối sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam, 26 nước giành được độc lập (1956 - 1960),  riêng trong năm 1960 có đến 19 nước giành độc lập (trong đó có 18 nước châu Phi), nên gọi là “năm châu Phi”
 
         Đúng vậy, Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai đầy căm go và thử thách. Giữa lúc đó, đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương thực hiện “ván cờ đôminô” nếu một con bài đổ thì các con khác cũng đổ theo. Kế hoạch Nava đã được Pháp và Mỹ thống nhất cao với âm mưu trong 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Để đánh bại âm mưu của địch, ngày 6-12-1953 Bộ Chính trị  do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh  và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
 

Ảnh: Bác Hồ với Chiến dịch Điện Biên Phủ- 1954
 
        Trong lúc tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt ở mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chia sẻ gian khó và cổ vũ tinh thần chiến sĩ một cách thâm tình. Người viết: “Thu Đông năm nay các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén.
        Năm ngoái các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng.
        Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”[1].
        Với những ngôn ngữ diễn đạt chân thành, tràn đầy tình cảm của Bác đối với quân dân. Hình ảnh Bác Hồ trong trái tim của Đảng ta, Nhân dân ta và quân đội nhân dân Việt Nam, đã cỗ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta được phát huy lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Người là linh hồn của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điên Biên Phủ. Chính bức thư Bác gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng và Bí thư mặt trận Điện Biên Phủ, đã khẳng định quyết tâm chiến lược nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Người viết: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về mặt quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kì được”[2].
        Một không khí sôi động và rất khẩn trương chuẩn bị thực lực về mọi mặt, tất cả đã vào vị trí chiến đấu với khí thế sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Lực lượng pháo binh của ta không quản ngày đêm, kéo pháo vào trận địa với quyết tâm chiến thắng cao độ được thể hiện sinh động qua bài “Hò kéo pháo” vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc:
“ Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo
Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù
Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù”.
        Mặc dù, tinh thần sĩ khí đã hăng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc thống nhất với Trung ương Đảng không được chủ quan trong bất kỳ tình thế nào, Bác chỉ đạo chuyển phương châm chiến lược “đánh nhanh giải quyết nhanh” bằng phương châm “đánh chắc, thắng chắc”.
          Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược nói trên của Bác và Trung ương Đảng hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo phù hợp với tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc này. Bên cạnh đó, trước giờ nổ súng ở mặt trận Điện Biên Phủ, Bác ân cần, gửi thư động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận hãy cố gắng vượt qua mọi gian khổ, quyết tâm giành lấy chiến thắng vẻ vang cho dân tộc: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang…Bác tin rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”[3].
          Sự động viên kịp thời của Bác đối với quân và dân ta lúc này có ý nghĩa sâu sắc, bởi vì Bác là biểu tượng của niêm tin chiến thắng, lời kêu gọi của Bác cũng chính là tiếng gọi của hồn thiêng sông núi. Do đó, mỗi khi quân, dân ta nghe được những lời của Bác cổ vũ, động viên, đọc những bức thư của Bác là hiểu được những tâm tư, tình cảm sâu đậm và hoài bảo lớn nhất của Bác giành cho quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, ý Đảng, lòng dân đã thực sự hòa nguyện thành sức mạnh đoàn kết dân tộc, trên dưới một lòng, đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ của đế quốc Pháp và sự can thiệp của chủ nghĩa thực dân mới. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, quân dân ta đã bắt sống tướng Đơ Cát - xtơ - ri (De Castries) và toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào chiều ngày 7 -5-1954. Hào khí anh hùng của dân tộc ta một lần nữa được nhà thơ Tố Hữu lột tả tràn đầy cảm súc: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” làm nên trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.
         Ngay sau ngày thắng lợi ở Điện Biên Phủ, ngày 08-5-1954, Bác đã gửi thư khen gợi tinh thần quả cảm của quân và dân ta cùng với những điều căn dặn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng phải đấu tranh trường kì gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”[4]. Với ngôn ngữ giản dị, văn phong ngắn gọn, dễ hiểu Bác đã phân tích một cách thấu đáo, khách quan và tinh tế về thế và lực giữa ta và địch sau thắng lợi Điện Biên Phủ. Điều đó, phản ánh một trình độ tư duy quân sự ở tầm cao của trí tuệ. Nội dung bức thư đã thể hiện thế giới quan của nhà duy vật biện chứng, nhận thấy được âm mưu sâu xa của thế lực đế quốc, nên Bác đã dự báo một tương lai ngoại giao đầy gian khổ và lâu dài để giành được trọn vẹn nền độc lập, tự do cho dân tộc và thống nhất đất nước.
          Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Nhân dân ta khắp mọi miền đất nước vui mừng khôn xiết, “hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ” vang lên như hồi kèn xung trận"[5]. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người là linh hồn của chiến dịch Điên Biên lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách của thế kỷ XX; là mốc son lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới./

 
Chú thích:
[1]. Hồ Chí Minh(1995), Toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.198.
[2]. Phan Ngọc Liên( chủ biên), Nguyễn Ngọc Cơ và Nguyễn Thị Côi (2005), Hồ Chí Minh những chặng đường lịch sử, Nxb. Hải Phòng, tr. 261.
[3] . Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.205.
[4] . Hồ Chí Minh(1995), Toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr. 276.
[5] . Phan Ngọc Liên( chủ biên), Nguyễn Ngọc Cơ và Nguyễn Thị Côi (2005), Hồ Chí Minh những chặng đường lịch sử, Nxb. Hải Phòng, tr.266.
 
 
 
  • ThS. Võ Thị Ái
Trường Chính trị Gia Lai
 
 

|<<1 2 3 4 5 6 7 8 9 10...>>|

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top