Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Nghiên cứu trao đổi > MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN XÃ HÀ ĐÔNG, HUYỆN ĐĂKĐOA, TỈNH GIA

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN XÃ HÀ ĐÔNG, HUYỆN ĐĂKĐOA, TỈNH GIA LAI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

12/03/2020
   Tóm tắt: Xã Hà Đông thuộc huyện Đăk Đoa của tỉnh Gia Lai là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với 5.216 khẩu, 961 hộ trong đó 99,9% là người Bah Nar  và 95% theo đạo Công giáo. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy xã Hà Đông đã đạt được một số kết quả đáng trân trọng trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, xã Hà Đông vẫn là xã đặc biệt khó khăn không chỉ của huyện mà còn của tỉnh Gia Lai. Vì vậy, rất cần một số giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã trong thời gian đến.

 1.png
Đoàn đi nghiên cứu thực tế Trường Chính trị tỉnh Gia Lai tại xã Hà Đông huyện Đăk Đoa
         
     Hà Đông cách trung tâm huyện Đăk Đoa khoảng 60 km, với vị trí địa lý đi lại vô cùng khó khăn, là xã thuộc vùng 3 với 5 thôn, làng; trong đó, người dân tộc thiểu số BahNar chiếm 99,9% dân số và có một tôn giáo hoạt động là Công giáo chiếm 95%. Hà Đông có lợi thế đất đai rộng, nguồn lao động dồi dào, khí hậu ôn hòa. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao nhưng dưới sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy và sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy xã và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong thời gian qua Hà Đông đã đạt được một số kết quả về phát triển kinh tế xã hội cụ thể:
         
     Về sản xuất nông, lâm nghiệp: Đây là ngành sản xuất chính của xã trong 5 năm qua Hà Đông đã tập trung chỉ đạo và đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp để tăng diện tích và năng suất như diện tích gieo trồng đạt 808ha, chăn nuôi tiếp tục được phát triển quy mô đàn gia súc khoảng 895 con. Phong trào triển khai về trồng rừng trên địa bàn xã được người dân hưởng ứng, trung bình 02 hộ thì có 01 hộ tham gia trồng rừng, bên cạnh đó có sự tham gia của 02 doanh nghiệp do đó tổng diện tích rừng trồng mới hiện nay là 700 ha gồm các cây Keo lai, Thông, Sao đen…Công tác quản lý bảo vệ rừng được xã hết sức chú trọng để bảo vệ diện tích đất có rừng là 9.948,35ha/19.536,2ha, xã đã chủ động bảo vệ rừng bằng việc giao khoán cho các tổ, đội quần chúng quản lý và bảo vệ rừng.
         
     Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến năm 2019 đạt 9/19 tiêu chí (năm 2014 là 5/19 tiêu chí). Qua xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc đã xuất hiện một số mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao điển hình như trồng cây cà phê ở làng Kon Ma Har (Hộ ông Brôt..), trồng Bời lời (Hộ gia đình Đinh Khưur, Đinh Đâm…), phát triển chăn nuôi bò (Hộ bà Bé, ông Dỗi làng Kon Sơ Nglok..).
 
     Về giáo dục và đào tạo: Hiện toàn xã có 03 cấp học Mẫu giáo, Tiểu học và trung học cơ sở. Xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến lớp hàng năm đạt trên 97% (đạt 100% so với nghị quyết). Xã phối hợp với các đơn vị trường cao đẳng nghề Gia Lai; Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang; trung tâm DVNN huyện Đak Đoa; phòng nông nghiệp huyện Đak Đoa mở 4 lớp: học nghề, tập huấn, hướng dẫn cho 600 lượt học viên nông dân tham gia, chủ yếu là các lớp hướng dẫn chăm sóc cà phê, tiêu, lúa  nước, nuôi bò.......
 
     Về thực hiện công tác chính sách xã hội: Đến nay đã có 100% hộ gia đình chính sách trên địa bàn có nhà kiên cố, đảm bảo để ở, không có hộ gia đình chính sách nào là hộ nghèo, đời sống của các hộ gia đình chính sách trên mức sống trung bình của xã…. Hàng năm, lồng ghép các chương trình, dự án từ các nguồn vốn của nhà nước, vốn hỗ trợ, vốn vận động và sự giúp đỡ của cộng đồng, trong nhiệm kỳ đã xây dựng, sửa chữa được 07 căn nhà cho người có công, hộ nghèo được 15 căn nhà, với tổng vốn hơn 800 triệu đồng. 
         
     Với đặc thù 95% người theo đạo Công giáo, Đảng ủy xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách về tôn giáo, kịp thời xem xét, giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề về tôn giáo theo đúng quy định, đáp ứng cho nhu cầu của các tín đồ tôn giáo, góp phần tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước về hoạt động tôn giáo.
 
     Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được xã Hà Đông cũng còn nhiều khó khăn sau:
 
     Thứ nhất, cơ sở hạ tầng còn thấp, đường xá đi lại khó khăn, giao thông không thuận tiện.
 
     Đây cũng là cản trở lớn nhất cho việc đầu tư của các doanh nghiệp, cũng như các cá nhân đầu  tư vào xã. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội tại Hà Đông. Hiện nay trên toàn địa bàn xã có 22 cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa trên địa bàn, chủ yếu cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của nhân dân, và thu mua các mặt hàng nông sản trên địa bàn
 
     Thứ hai, với lợi thế về đất đai nhưng hiện nay việc áp dụng khoa học vào sản xuất chưa nhiều, Công tác định hướng, tuyên truyền theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp chưa hiệu quả tập quán canh tác sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế
 
      Với phong tục tập quán của người dân chăn nuôi thả rông nên khi có dịch bệnh xảy ra nên dễ lây lan nhanh, không khống chế, cách ly được dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Người  dân còn chậm tiếp thu và chuyển đổi phương thức canh tác theo nhu cầu thị trường, chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp.
 
     Công tác định hướng, tuyên truyền theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa hiệu quả, nhất là khâu quy hoạch, quản lý đất sản xuất và định hướng các loại cây trồng phù hợp chưa tốt, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của xã; triển khai nhiều mô hình khuyến nông, song lại không đề ra được giải pháp duy trì và phát huy nên đa số chỉ dừng lại ở mô hình trình diễn.  
 
     Thực trạng sản xuất nông nghiệp của xã tuy đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, tích cực theo xu hướng tiến bộ, nhưng phạm vi, quy mô còn nhỏ, lẻ, phần lớn nông dân vẫn canh tác theo lối cũ, phát triển cây trồng, vật nuôi theo kiểu tự phát, chưa theo quy hoạch, nên mới chỉ tạo ra được khối lượng, chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư và doanh nghiệp liên kết, bao tiêu, bảo quản, chế biến, tạo thành chuỗi cung ứng giá trị và thị trường tiêu thụ ổn định; giá cả nông sản bấp bênh làm cho đời sống, thu nhập của người nông dân gặp nhiều khó khăn.
 
     Thứ ba, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn quá cao; tính đến cuối năm 2019, toàn xã giảm còn 303 hộ nghèo, chiếm 32%.
 
     Thứ tư, các khoản thu trên địa bàn xã không có chủ yếu nhờ vào ngân sách của cấp trên.
 
     Một số giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn xã trong thời gian đến
 
     Một là, Phải luôn duy trì giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy lợi thế sẵn có, tranh thủ các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
 
     Hai là, Cần mở rộng các tuyến đường và liên kết với các xã trên địa bàn huyện ĐăkĐoa cũng như xã tiếp giáp của huyện Kbang.
 
     Ba là, Cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ cho ngành nông nghiệp với lợi thế đất đai rộng của xã.
 
     Bốn là, Thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào xã.
 
     Năm là, Phát huy các thế mạnh của địa phương, như nguồn lao động, đất đai,... hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp dược liệu tập trung gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
ThS. Vũ Thị Thảo
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
|<<1 2 3 4 5 6 7 8 9 10...>>|

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top