Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Nghiên cứu trao đổi > Những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, giải pháp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò, trách nhiệm, đón

Những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, giải pháp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp cho sự phát triển của địa phương tỉnh Gia Lai hiện nay

06/02/2020
Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội và đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Do đó, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.1
 

     Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Gia Lai đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, đồng thời để triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Đảng bộ, Chính quyền  tỉnh Gia Lai đã có nhiều chính sách và giải pháp trong việc thực hiện chủ trương xây dựng đội ngũ trí thức, cụ thể: Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 22 tháng 8 năm 2008 về nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X; Chương trình số 45-Ctr/TU ngày 27 tháng 10 năm 2008 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trên cơ sở đó, UBND Tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm triển khai thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.
 
     1. Những kết quả quan trọng trong thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức ở Gia Lai
 
      Trong hơn 10 năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đội ngũ trí thức tiếp tục tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu đã và đang có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương. Kết quả trên biểu hiện trên nhiều mặt:
 
     - Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng và chất lượng
 
     Năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 20.885 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 1,74% dân số toàn tỉnh (trong số đó có 05 tiến sĩ; 197 thạc sĩ; 14.570 đại học; 5.978 cao đẳng; có 04 bác sĩ chuyên khoa cấp II; 151 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I).  Đến cuối 2010, tỉnh có 38.902 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 5,14% dân số toàn tỉnh (trong đó có 01 Phó giáo sư – tiến sĩ, 08 tiến sĩ, 06 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 667 người có trình độ thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I, có 19.754 người có trình độ đại học, 18.467 người có trình độ cao đẳng). Cuối năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 54.185 người có trình độ cao đẳng trở lên, đã tăng 15.283 người so với 2010 (trong đó có 01 Phó giáo sư – tiến sĩ, 19 tiến sĩ, 943 thạc sĩ, 29.631 đại học và 23.591 cao đẳng). 2  Tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh Gia Lai có 01 PGS.TS; 23 Tiến sĩ (nay là 26 TS); 28 CKII; 328 CKI và 1.196 Thạc sĩ,... Đây là đội ngũ nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh góp phần tích cực trong tham gia công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chương trình, chính sách, đề tài, dự án, các quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực,... tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
 
     Với trình độ, năng lực ngày càng đáp ứng với yêu cầu công việc đội ngũ trí thức đã đóng góp to lớn vào công việc tham mưu, góp ý, thẩm định, ban hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh nhà. Nhiều những đề tài, dự án sáng tạo, các công trình nghiên cứu sát thực của trí thức đã được thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
 
     Bên cạnh đó, với việc coi trọng khâu tạo nguồn và tích cực bồi dưỡng, do đó đội ngũ trí thức trẻ, trí thức nữ và trí thức người dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa phương ngày càng đông đảo, đang đóng góp tích cực cho sự ổn định, phát triển tỉnh nhà nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
 
     - Chú trọng vào thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng trí thức
 
     Nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, từ 2009 đến nay tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ trí thức có tay nghề, trình độ cao, các chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực địa phương thiếu, yếu về tỉnh. Đồng thời với thu hút đã chú trọng thực hiện chính sách đãi ngộ tốt đối với trí thức (đặc biệt là cán bộ, công chức có trình độ cao về tỉnh công tác).
 
     Từ năm 2008-2018 việc thu hút, tuyển dụng trí thức được quan tâm, chỉ đạo. Đến nay đã thu hút hàng nghìn trí thức về công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh: Huyện Đăk Pơ 800 người, Huyện Krông Pa 598 người, Huyện Kông Chro 522 người; Chư Sê 434 người, Thành phố Pleiku 75 người (trong đó có 10 thạc sĩ). 3
 
     Với thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác”, qua 03 đợt tuyển chọn của đề án này, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đã tuyển chọn được 141 sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí công tác ở các xã vùng II, vùng III của 15 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh (chủ yếu thuộc các ngành nông nghiệp, hành chính, kinh tế - tài chính, địa chính...). Đến nay, có 106 người được xét tuyển vào công chức, viên chức, đạt 75,17%; 93 người đã được cấp ủy cho đi học lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng và 55 người được kết nạp vào Đảng (trong đó: 01 huyện ủy viên, bí thư huyện đoàn; 01 ủy viên thường vụ trực đảng xã; 08 phó chủ tịch xã; 13 đại biểu hội đồng nhân dân xã)4
 
     Đi đôi với việc thực hiện tốt các quy định, quy trình về phân cấp quản lý, sử dụng đội ngũ trí thức, tỉnh còn ưu tiên tuyển dụng trí thức, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao, có học lực khá, giỏi, cam kết phục vụ lâu dài tại Gia Lai được bố trí, sử dụng sau khi về địa phương. Với Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai “quy định chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Gia Lai”, theo đó, đảm bảo ngoài chế độ hỗ trợ kinh phí ban đầu, được tuyển dụng ngay không chờ kỳ thi tuyển, được hưởng 100% mức lương theo ngạch, bậc quy định, người có văn bằng tốt nghiệp sau đại học còn được tạo điều kiện cho vợ (hoặc chồng) có việc làm ổn định tại tỉnh, được giao đất để xây dựng nhà ở.
 
     -Việc quản lý, sử dụng trí thức được chú trọng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch quy hoạch, sử dụng đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý là những người có trình độ chuyên môn cao, có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp tiêu biểu cho địa phương, ví như, trong quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương nhiệm kỳ 2015-2020, có 84 đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thì có 67 đồng chí có trình độ đại học (79,76%), 14 đồng chí có trình độ thạc sỹ (16,67%) và 02 đồng chí có trình độ tiến sỹ (2,3%). Có 20 đồng chí quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì 14 đồng chí có trình độ đại học (70%), 06 đồng chí có trình độ thạc sỹ (30%). Về lý luận chính trị 100% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị 5. Công tác sử dụng trí thức được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm tính đồng bộ cũng như mối tương quan giữa trước mắt và lâu dài, chú trọng đến trí thức nữ, trí thức trẻ, trí thức là người dân tộc thiểu số.
 
     - Đào tạo, bồi dưỡng đối với trí thức được quan tâm, chú trọng
 
     Bên cạnh việc thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ, việc đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ trí thức cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Từ năm 2009 cho đến nay tỉnh đã chủ động liên kết với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (khu vực 3) mở 09 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tại chức với 959 học viên và 671 cán bộ, công chức đi học tập trung tại Học viện chính trị khu vực 3 (Đà Nẵng). Cử 36 cán bộ đi bồi dưỡng và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương. Đã cử 17 cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng An ninh - Quốc phòng đối tượng 1 theo quy định. 6
 
     Ngoài ra Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp & Giáo dục thường xuyên của tỉnh còn mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sơ cấp và trung cấp lý luận chính trị để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Giai đoạn 2011- 2016 Trường Chính trị tỉnh Gia Lai đã đào tạo, bồi dưỡng 240 lớp với tổng số học viên trên 15.902 học viên 7 (đối tượng chính là cán bộ, công chức, viên chức) của hệ thống chính trị địa phương.   
 
     Cũng thông qua hoạt động liên kết, các viện, các trường Đại học có uy tín đã cử các cán bộ có trình độ cao hướng dẫn, bồi dưỡng đội ngũ trí thức của tỉnh và cùng tham gia một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
 
     - Quan tâm tạo nguồn, phát triển trí thức thức người dân tộc thiểu số
 
     Đánh giá được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức người DTTS tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách nhằm đảm bảo ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức người DTTS bằng việc ban hành Kế hoạch số 4506/KH-UBND, ngày 28/9/2016 về thực hiện đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó tỉnh đã có cơ chế đặc biệt trong ưu tiên trong tạo nguồn, tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng gắn với đào tạo, bồi dưỡng để trí thức người DTTS tiếp tục có những đóng góp đối với sự phát triển của địa phương.
 
     Đến nay, toàn tỉnh có trên 4.449 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đang công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh, chiếm khoảng trên 14% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, trong đó nữ là người DTTS: 1.998/4.449, chiếm 44,90% trong tổng số CBCCVC là người DTTS 8. Các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
 
     Việc tạo nguồn, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, nhất là người Bahnar, Jrai được quan tâm chỉ đạo. Với chủ trương trí thức người DTTS đóng góp quan trọng vào sự phát triển tỉnh nhà, trên cơ sở các đề án, nghị quyết các ngành, các cấp thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số sau khi tuyển dụng; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để họ được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã có sự phát triển đáng kể về số lượng, chất lượng; tham gia ngày càng đông đảo trong hệ thống chính trị ở địa phương.
 
     2. Một số hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức ở Gia Lai
 
     Thứ nhất, Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị về việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng người tài, người có chuyên môn cao chưa thật sự đầy đủ, thiếu nhất quán. Do đó, mặc dù đội ngũ trí thức thu hút về tỉnh liên tục tăng 2009 đến nay song việc quy hoạch và sử dụng trí thức cũng như tạo điều kiện để trí thức có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho địa phương trong các lĩnh vực còn chưa thực sự tương xứng.
 
     Thứ hai, Chính sách thu hút, đãi ngộ chưa tương xứng, chưa thực sự tạo ra những đột phá trong thu hút, đãi ngộ.
 
     Thời gian qua chính sách thu hút người có trình độ cao vẫn còn chung chung. VD, Theo Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Gia Lai được thực hiện hỗ trợ ban đầu, một lần: Tiến sĩ là 55 triệu đồng; Thạc sĩ là 25 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 35 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I là 20 triệu đồng và người tốt nghiệp đại học (chính quy) loại giỏi, xuất sắc là 10 triệu đồng. Mức chi trên mới chỉ ở mức độ khích lệ, động viên là chính, chưa tạo ra động lực thực sự để trí thức ở những ngành nghề về kỹ thuật và công nghệ cao, các “chuyên gia giỏi” “Bác sĩ, dược sĩ..” ở những ngành nghề, lĩnh vực mà địa phương còn thiếu sẵn sàng đến và tâm huyết cộng tác với địa phương.
 
     Thứ ba, Đội ngũ trí thức của tỉnh tăng nhanh, nhiều nhưng chưa mạnh (vì trong đội ngũ số tốt nghiệp các trường trong top 1000 đại học tốt nhất thế giới chiếm tỷ lệ nhỏ) các sản phẩm mang hàm lượng chất xám, các sản phẩm khoa học - công nghệ chưa đáp ứng sự phát triển của tỉnh. Biểu hiện: Trong khoa học tự nhiên, công nghệ ít các bài báo được công bố trên tạp chí uy tín của thế giới, khoa học xã hội và nhân văn thiếu khả năng dự báo và định hướng, văn hóa, nghệ thuật ít tác phẩm xứng tầm của những thành tựu của tỉnh.
 
            - Cơ cấu đội ngũ tri thức của tỉnh còn bất hợp lý về ngành nghề (tập trung sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, y tế…).
 
     Thứ tư, Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và môi trường làm việc chưa đáp ứng được so nhu cầu. Do đó, chưa phát huy hết khả năng của những người có trình độ cao, dễ thu hút song lại khó “giữ chân”, vì thế còn hiện tượng “thu hút chưa đúng đối tượng”, hay “chảy máu chất xám”.
 
     Ví như, Đề án số 03-ĐA/TU về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác ở địa phương, qua 03 đợt đã tuyển chọn được 141 sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí công tác ở các xã vùng II, vùng III của 15 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh (chủ yếu thuộc các ngành nông nghiệp, hành chính, kinh tế - tài chính, địa chính...). Tuy nhiên, từ 2009 đến nay số xin thôi tham gia Đề án là lên tới 35 người, chiếm 24,8%.
 
     Thứ năm, Ở một số ngành nghề/lĩnh vực cần trí thức giỏi chuyên môn, có tay nghề và trình độ cao tuy nhiên lại ít trí thức tham gia vào các đề án để về công tác tại địa phương (đặc biệt là các huyện, xã vùng khó khăn, vùng biên giới) nên hiện vẫn còn thực trạng “vừa thừa, vừa thiếu” ở một số lĩnh vực, ngành nghề (đặc biệt là các Bác sĩ, Dược sĩ, Kỹ sư, các chuyên gia giỏi, Nhà khoa học trong các ngành/lĩnh vực thuộc về lợi thế của địa phương.
 
     Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa công khai, minh bạch về danh sách, vị trí, nhu cầu, trình độ cần tuyển dụng để các ứng viên có trình độ cao tham gia dự tuyển…
 
     Thứ sáu, Khâu rà soát, xây dựng kế hoạch tạo nguồn trí thức tại chỗ và đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa cụ thể, chưa kịp thời. Hiện số cán bộ đang làm việc ở chính quyền cấp xã trên địa bàn có trình độ học vấn tiểu học và trung học cơ sở chiếm tỷ lệ còn cao (chiếm 33,11%), số cán bộ xã chưa có trình độ chuyên môn vẫn còn nhiều (chuyên môn nghiệp vụ: 784 người, chiếm 33,72%), khoảng gần 50% công chức cấp xã chưa biết sử dụng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, trên 60% cán bộ, công chức cơ sở chưa qua bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, do đó, chưa theo kịp so với yêu cầu công việc 9.
 
     Một bộ phận trí thức hiện nay năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu, bằng cấp lại chưa tương xứng với năng lực hoạt động thực tế, thiếu tính chuyên nghiệp, tác phong, lề lối làm việc còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
 
     Thứ bảy, Việc tuyên truyền, quảng bá qua việc nêu gương các trí thức thành công khi đến với địa phương chưa được chú trọng. Một số trí thức khi về địa phương vẫn còn chậm được quan tâm, phát triển … Do đó trí thức thực sự có năng lực, chuyên môn cao chưa được trọng dụng trong thực tế dẫn đến hoặc sẽ bằng lòng mà giảm sút đam mê cống hiến, hoặc sẽ tự ý nghỉ việc và rời bỏ địa phương.
 
     3. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
 
     Thứ nhất, Do là tỉnh miền núi, địa hình, điều kiện xã hội còn nhiều khó khăn do đó nguồn lực để thực hiện các chính sách đầu tư, thu hút, đãi ngộ trí thức còn chưa tương xứng. Nhiều trí thức, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ, sinh viên tốt nghiệp Đại học loại giỏi, xuất sắc, người có trình độ cao về tỉnh công tác còn ít.
 
     Thứ hai, Điều kiện, môi trường làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu, lạc hậu, có nơi xuống cấp vì vậy chưa phát huy hết được năng lực thực sự của những người được đào tạo chính quy, bài bản, chưa thu hút, chưa giữ chân được trí thức trẻ, trí thức đam mê chuyên môn đến với địa phương.
 
     Thứ ba, Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về đội ngũ trí thức trong toàn tỉnh chưa thống nhất về đầu mối nên việc tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong điều kiện hội nhập và phát triển chưa được quan tâm đúng mức.
 
     Hiện số trí thức thu hút về tỉnh công tác có chuyên môn kỹ thuật cao, trí thức là “chuyên gia giỏi” ở các lĩnh vực về kỹ thuật, Y bác sĩ…còn ít, do đó còn ảnh hưởng đến việc tham mưu, đề xuất đối với các nhiệm vụ trên các lĩnh vực của địa phương.
 
     Thứ tư, Trong việc thực hiện chính sách về thu hút, tuyển chọn, bố trí, sử dụng trí thức về công tác tại địa phương chưa thực sự công bằng, còn có biểu hiện cục bộ, địa phương. Bên cạnh đó, có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ trí thức, nhất là công tác tạo nguồn trí thức tại chỗ, trí thức trẻ, trí thức là nữ và trí thức người đồng bào DTTS.
 
     Thứ năm, Chưa quy hoạch phát triển trí thức phù hợp với mục tiêu phát triển từng ngành, từng địa phương và toàn tỉnh, chưa có chính sách sử dụng trí thức có trình độ cao một cách hiệu quả.
 
     Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trí thức nhiều mặt còn hạn chế, việc tôn vinh trí thức có nhiều đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đơn vị chưa kịp thời, nên chưa khuyến khích, động viên trí thức toàn tâm, toàn ý cống hiến
 
     4. Giải pháp tiếp tục thu hút, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức ở Gia Lai thời gian tới
 
     Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp cụ thể sau đây:
 
     Thứ nhất, Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức. Trên cơ sở đó cần tiếp tục hoàn thiện lại chính sách, tạo ra môi trường và những điều kiện làm việc theo hướng thuận lợi cho hoạt động của trí thức.
 
     Có chính sách thu hút điều chỉnh bất hợp lý về cơ cấu và chất lượng đội ngũ bằng cách công bố lĩnh vực ưu tiên và tiếp nhận trong 1000 trường đại học. Điều chỉnh cơ cấu để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tỉnh, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng cho trường Chính trị tỉnh (thành trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của tỉnh).
 
     Làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tôn vinh trí thức nhằm tuyên truyền qua đó thu hút trí thức từ các nơi khác về địa phương.
 
     Thứ hai, Tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách mới, trong đó chính sách đãi ngộ, sử dụng cần mang tính đột phá. Chú trọng việc trọng dụng đối với trí thức là nhà khoa học, là chuyên gia giỏi, là tài năng sáng tạo đặc biệt có trình độ cao ở các ngành nghề, lĩnh vực mà địa phương còn thiếu về địa phương công tác. Bên cạnh đó gắn việc thực hiện chính sách thu hút với chính sách đãi ngộ và sử dụng trí thức hiệu quả.
 
     Đi đôi với đãi ngộ tương xứng cần xác định rõ danh mục ngành, nghề trình độ cao cần thu hút trong từng giai đoạn theo nhu cầu thực tế của từng địa phương và từng sở, ngành. Nâng mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ công viên chức là người dân tộc thiểu số được đi đào tạo đại học và sau đại học.
 
     Thứ ba, Trong tạo nguồn và sử dụng cần chú trọng vào trọng dụng nhóm trí thức tài năng, trí thức nữ, trí thức là người đồng bào dân tộc thiểu số đang công tác tại các địa phương, đơn vị có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhằm tạo điều kiện cổ vũ, khuyến khích trí thức phát huy hết tài năng, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
 
     Thứ tư, Để khắc phục tình trạng trọng dụng chưa đúng người đúng việc, việc bố trí, sử dụng sau thu hút cần phải đúng với năng lực, sở trường chuyên môn nhằm cổ vũ, tạo tiền đề để tiếp tục thu hút trí thức về địa phương. Trên cơ sở đó, cần điều chỉnh các chính sách về quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức.
 
     Tiến tới thực hiện chủ trương “thi tuyển” mang tính cạnh cạnh và công bằng trong bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị.  Đây là một hình thức, giải pháp tích cực nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả nhằm thu hút những người có tài, có đức vào làm việc trong bộ máy của các cơ quan, đơn vị tại địa phương.
 
     Thứ năm, Cần làm tốt khâu rà soát và đánh giá đúng thực trạng trí thức của địa phương trên cơ sở các ngành nghề cần và thiếu để chủ động xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo năng lực, sở trường của từng nhóm trí thức, tránh tình trạng đào tạo, bồi dưỡng tràn lan, gây lãng phí.
 
     Chủ động rà soát đội ngũ cán bộ của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. 
 
     Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với trí thức, hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động lao động của trí thức; hiện nay tình hình quản lý các lớp bồi dưỡng, đào tạo của tình còn buông lỏng: tình trạng liên kết mở lớp thạc sĩ, quản lý nhà nước, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng tràn lan ở các đơn vị Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện, tỉnh (tỉnh cần có văn bản quy định theo 705 - Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030). Hoàn thiện cơ chế quản lý lao động trí thức (mạnh dạn giải thể các đơn vị mà trùng nhiệm vụ, chức năng, hoặc hết nhiệm vụ lịch sử: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, đào tạo từ xa….).
 
     Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của địa phương. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với trí thức trong những vấn đề quan trọng; qua đó, lắng nghe ý kiến của họ và tạo được sự cởi mở, chân thành giữa các bên.
 
     Tạo môi trường hình thành và phát triển tầng lớp trí thức bằng cách dành phần kinh phí nghiên cứu khoa học - gắn đào tạo nghiên cứu sinh: Nghiên cứu sinh nhận đề tài gắn với đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh.
 
     Nhanh chóng hình thành các phân hiệu đại học ưu tiên các trường đại học top 1000 và 500 Châu Á. Quy hoạch chiến lược khoa học - công nghệ của tỉnh - từ thực tiễn kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
     5. Kết luận
 
     Với vai trò là lực lượng lao động trí tuệ, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng đóng góp quan trọng trong tham mưu, hoạch định chính sách, nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống. Đội ngũ trí thức tỉnh Gia Lai đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, Gia Lai tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu: hoàn thiện chính sách, môi trường làm việc, quan tâm, thu hút, đãi ngộ và sử dụng trí thức hiệu quả… nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của địa phương trong thời kỳ mới./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06 tháng 08 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
 [2];[3]; Báo cáo số 267-BC/TU ngày 17 tháng 05 năm 2018 của Tỉnh ủy Gia Lai về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06 tháng 08 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
[4]. Báo cáo số 128-BC/TU ngày 20/02/2007 về tổng kết Đề án số 02-ĐA/TU ngày 17/04/2009 của Ban thường vụ Tỉnh ủy “về đối mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015”.
[5] [6]. Báo cáo tổng kết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai 2017 về thực hiện nghị quyết Trung ương 03 khóa VIII “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
[7]. Báo cáo Tổng kết Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2016 của Trường Chính trị tỉnh Gia Lai.
[8]. Báo cáo thống kê số lượng, chất lượng cán bộ, công chức chính quyền cấp xã năm 2017, Sở nội vụ tỉnh Gia Lai.
[9]. Nguồn tác giả tổng hợp.
 
   TS. Nguyễn Thái Bình – TUV, Hiệu trưởng
         Trường Chính trị tỉnh Gia Lai;  
|<<1 2 3 4 5 6 7 8 9 10...>>|

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top