Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Nghiên cứu trao đổi > PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM PHỦ NHẬN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM PHỦ NHẬN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

28/01/2016
                                         TS. Nguyễn Thái Bình – HT trường Chính trị tỉnh
 
 
1. Phê phán các quan điểm phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Để phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch đã cố gắng “phân tích”, “chứng minh” bằng những luận điệu sau:
 
- Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác – LêNin chứ không hề có tư tưởng cao siêu. Du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm là một sai lầm mà lịch sử không bao giờ tha thứ.
 
- Bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, “hạ bệ thần tượng”. Tung ra khẩu hiệu “No Ho” (tức là “Không Hồ Chí Minh”), thực chất là phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc công lao, sự nghiệp vĩ đại của Bác.

- Tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác – Lênin. Chúng ngụy biện rằng, bây giờ học thuyết Mác – Lêin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá và còn giá trị mà thôi.
 
- Giải thích nội dung chủ nghĩa Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc, v.v…
Phủ nhận hoàn toàn các tư tưởng sai trái, thù địch nói trên, đến Đại hội VII (1991), Đảng ta chính thức nêu rõ lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Điều này đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tư duy lý luận của Đảng ta.
 
 3.JPG
 
 
Thực ra, tư tưởng Hồ Chí Minh có nền tảng là chủ nghĩa Mác-Lênin đã đi vào đường lối của Đảng, đã trở thành đường lối của Đảng ta từ khi Đảng được thành lập. Đặc biệt, từ đầu năm 1941, khi Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện đầy đủ trong đường lối, quan điểm của Đảng.
 
Đến năm 1991, những điều kiện chủ quan và khách quan đã đủ để Đại hội VII đặt vấn đề Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Điều khẳng định này đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, thúc đẩy việc tiếp tục đổi mới tư duy của Đảng với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo để không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng. Thực tiễn đổi mới của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng từ Đại hội VII đến nay đã chứng minh điều đó.
 
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng thì cũng nảy sinh hai loại ý kiến ở ngay trong cán bộ, đảng viên của ta: Một là, không cần phải đưa thêm tư tưởng Hồ Chí Minh vào đây, vì tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng qua chỉ là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nói chủ nghĩa Mác-Lênin là đủ rồi; hai là, nói tư tưởng Hồ Chí Minh như vậy là đánh giá chưa đúng, mà phải gọi là học thuyết hay chủ nghĩa Hồ Chí Minh mới đúng tầm di sản Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc và nhân loại. Đương nhiên, đó chỉ là ý kiến của một số người, không được Đảng ta và dư luận xã hội rộng rãi chấp nhận.
 
Đại hội lần thứ IX của Đảng ta cũng chỉ rõ: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
 
Văn kiện Đại hội IX đã chỉ rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…
 
Văn kiện Đại hội XI,XII tiếp tục khẳng định những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh  trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta trước đây và công cuộc đổi mới hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, mãi mãi là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
 
2. Phê phán các quan điểm phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội
 
Trong tình hình thế giới phức tạp hiện nay, các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội tiếp tục tìm mọi cách để bài bác, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội là một bộ phận cấu thành quan trọng.
 
Nhất quán với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh quan niệm chủ nghĩa xã hội là một học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp vô sản nhằm xóa bỏ ách thống trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện lý tưởng giải phóng giai cấp và giải phóng toàn thể xã hội loài người. Chủ nghĩa xã hội còn được hiểu với tư cách là một chế độ xã hội thuộc hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà việc xây dựng và hoàn thiện nó như một quá trình lịch sử lâu dài để từng bước đạt tới mục tiêu.
 
Cái mới và là sự sáng tạo của Hồ Chí Minh khi nói về bản chất của chủ nghĩa xã hội là ở chỗ người phát hiện thấy lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã chung đúc tất cả lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội.
 
Hồ Chí Minh còn thấy một điểm rất quan trọng thuộc về bản chất của chủ nghĩa xã hội là muốn đạt tới lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa phải thường xuyên chống lại chủ nghĩa cá nhân xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Người nhìn nhận chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và xã hội. Hồ Chí Minh làm phong phú thêm hướng tiếp cận chủ nghĩa xã hội.
 
Mục đích của chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là một trong những vấn đề quan trọng mà Người đặc biệt quan tâm. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; dân chủ là chìa khóa cả mọi tiến bộ và phát triển. Quan niệm này đã đặt nền tảng và giữ vai trò chỉ đạo trong hoạt động của Đảng và Nhà nước ta.
 
Cùng với chế độ mới, nền kinh tế mới, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa trong mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
 
Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh văn hóa, giáo dục, khoa học là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người quan tâm đến vai trò của văn hóa ngày càng tăng trong sự phát triển, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới. Đó là nguồn vốn, là của cải quý báu nhất của quốc gia.
 
Ngoài các động lực bên trong, những nhân tố nội sinh là hết sức quan trọng, theo Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải kết hợp được với các nhân tố bên ngoài (ngoại sinh). Một trong những động lực bên ngoài là sức mạnh thời đại, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.
 
Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đứng trước một thực tế là trở thành Đảng cầm quyền. Mối quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là làm sao cho Đảng không trở thành một Đảng quan liêu, xa dân, thoái hóa, biến chất làm mất lòng tin của dân. Đây là điều hệ trọng.
 
Hồ Chí Minh quan niệm thống nhất lý luận với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Lý luận hóa thực tiễn từ sự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và thực tiễn hóa lý luận từ sự vận dụng và phát triển lý luận trong thực tiễn một cách sáng tạo - đó là nét nổi bật thuộc về nội dung, phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung cũng như tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội nói riêng.
 
Những thành tựu quan trọng mà nhân dân đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới là một thực tế không ai có thể phủ nhận được. Con đường đi tới của cách mạng nước ta có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với sự lãnh đạo sáng tạo, đúng đắn của Đảng ta, nhân dân ta sẽ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
 2.png
 
 
3. Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Trong những năm gần đây, ở nước ta đã nảy sinh ý kiến cho rằng: Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp luận chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đúng với một số nước khác nào đó, còn ở Việt Nam vốn là nước thuộc địa, nửa phong kiến, vấn đề dân tộc bao giờ cũng chi phối, khi nào Đảng nhấn mạnh vấn đề giai cấp thì đều dẫn đến sai lầm. Từ đó họ đề xuất ý kiến theo hướng nhấn mạnh một chiều vấn đề dân tộc, tách vấn đề dân tộc khỏi vấn đề giai cấp, hạ thấp ý nghĩa quan trọng, bức thiết của vấn đề giai cấp, không lấy quan điểm giai cấp làm quan điểm cơ sở lập trường để xem xét, giải quyết vấn đề dân tộc. Theo họ, nước ta hiện nay chỉ nên đề ra và giải quyết những vấn đề dân tộc, còn vấn đề giai cấp không nên đặt ra. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được họ đồng tình, nhưng giải thích theo hướng phi giai cấp, nghĩa là không nhất thiết phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực chất họ bác bỏ đường lối giải quyết vấn đề dân tộc theo lập trường của giai cấp công nhân.
 
Tư tưởng biện chứng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp là một trong những nhân tố bảo đảm thành công của cách mạng Việt Nam, một trong những đóng góp xuất sắc của Người vào kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
 
Kết luận “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ1; rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2 của Nguyễn Ái Quốc là sự khẳng định của một hướng đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp hoàn toàn mới, khác về căn bản so với các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước đó ở Việt Nam; đưa cách mạng giả phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng. Vì vậy, con đường phát triển tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người chỉ rõ: “Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”3.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp, gắn bó hữu cơ giữa hai quá trình đấu tranh cách mạng: Giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản không phải chỉ là chứng minh cho sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn là sự phát triển sáng tạo và có giá trị định hướng rất cơ bản. Qua thực tiễn đấu tranh và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, luôn bám sát đặc điểm thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm các nước khác, Hồ Chí Minh đã có những giải pháp đúng đắn, sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin; đó cũng chính là nguồn gốc sức mạnh của cách mạng nước ta trong suốt bảy thập kỷ qua. Bởi lẽ:
 
Một là, cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay muốn thành công triệt để nhất định phải đi theo quỹ đạo và là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản. Cuộc cách mạng đó phải dựa vào lực lượng của nhân dân, nòng cốt là liên minh công nông, do chính Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ, nếu chỉ dựa vào lực lượng riêng của giai cấp công nhân, thậm chí cả giai cấp nông dân là hoàn toàn không đủ, mà theo Người, chỉ có phát động cả dân tộc tham gia mới biến sức mạnh dân tộc thành lực lượng vô địch.
 
Hai là, cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc (mâu thuẫn giữa địa chủ - nông dân, mâu thuẫn tư sản - vô sản) không tách rời cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với các thế lực đế quốc xâm lược. Ở giai đoạn đầu của cách mạng, cần đặt vấn đề dân tộc, độc lập dân tộc lên trên hết. “Nếu không giải quyết được dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”4. “Chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải phóng dân tộc”5. Ở đây, rõ ràng cái giai cấp được biểu hiện ở cái dân tộc, cái dân tộc được giải quyết theo lập trường giai cấp công nhân, chứ đâu phải là “hy sinh cái nọ cho cái kia” như có người đã từng cố chứng minh.
 
Ba là, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản ở chính quốc, như “hai cánh của một con chim”, phải thực hiện sự liên minh giữa vô sản và nhân dân các nước thuộc địa thì cách mạng mới thắng lợi. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không phụ thuộc một chiều vào cách mạng vô sản ở chính quốc, mà có thể và phải chủ động tiến lên giành thắng lợi, thậm chí có thể giành thắng lợi trước, từ đó góp phần tích cực hỗ trợ cho cách mạng ở các nước tư bản. Đó là nhận định hết sức đúng đắn, táo bạo và sáng tạo của Hồ Chí Minh. Đáng tiếc là có lúc quan điểm này của Hồ Chí Minh không được một số người, trong đó có một số người của Quốc tế cộng sản cũng không thừa nhận.
 
Bốn là, sau khi giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ngoại bang, khỏi chế độ thuộc địa, dân tộc vừa được giải phóng phải quá độ lên chủ nghĩa xã hội và trong bước quá độ ấy phải tự mình tìm tòi con đường, phương thức riêng phù hợp với tình hình và đặc điểm đất nước, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tránh giáo điều, rập khuôn những hình thức, bước đi, biện pháp của nước khác.
 
Trong thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng hết sức cấp thiết.
 
--------------------------------
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.128.
2. Sđd, t.1, tr.IX
3.Sđd, t.12, tr.305
4. Văn kiện Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, t.3, tr.48
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.128
|<<1 2 3 4 5 6 7 8 9 10...>>|

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top