Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Nghiên cứu trao đổi > Tìm hiểu tư tưởng của Bác Hồ đối với công tác thi đua khen thưởng

Tìm hiểu tư tưởng của Bác Hồ đối với công tác thi đua khen thưởng

06/02/2020
Cách đây hơn 70 năm, ngày 11/6/1948, Bác Hồ đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Theo Bác, “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất” (1). Vì vậy, đây là dịp để chúng ta ôn lại những quan điểm, tư tưởng của Người về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động. Tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác thi đua khen thưởng chính là sự kế thừa để phát triển mạnh mẽ lên tầm cao mới, tạo được sức mạnh đoàn kết tổng hợp các lực lượng, các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội hưởng ứng tham gia.
 

     Có thể nhận thấy rằng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ luôn coi trọng phát động phong trào thi đua yêu nước, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo cách mạng, là nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, là phương pháp giáo dục tổng hợp sinh động và có hiệu quả lớn của Đảng. Người cho rằng thi đua yêu nước là cái cốt lõi để kháng chiến thành công, đất nước phát triển.
 
        Nội dung cũng như bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào hành động yêu nước, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc cách mạng, thực hiện tốt hơn công việc hàng ngày. Tư tưởng của Hồ Chí Minh nêu trên xuất phát và biểu hiện trên vấn đề cơ bản là: hiểu rất sâu sắc về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và tầm quan trọng của thi đua yêu nước; chỉ rõ yêu cầu về tính thực tiễn, cụ thể, thiết thực của thi đua yêu nước phải được thực hành vào công việc yêu nước mà thực chất là làm tốt hơn những công việc hàng ngày. Người đã nhấn mạnh: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc” (2). Mặt khác, trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” (3). Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo.
 
     Mục đích của thi đua yêu nước là làm cho nước nhà nhanh giành được độc lập, tự do, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Theo Bác, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó phong trào thi đua yêu nước cần phát huy sức mạnh của toàn dân, tạo được sự tham gia tích cực của nhân dân, làm cho thi đua yêu nước trở thành phong trào hành động cách mạng của nhân dân, của mọi tầng lớp xã hội. Người chỉ rõ: “Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta, cuộc thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to”. Đảng ta và Bác Hồ luôn khẳng định lực lượng có sức mạnh vô địch trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc đó là do nhân dân. Thi đua yêu nước có trở thành phong trào cách mạng hay không, có mang lại lợi ích thiết thực cho cánh mạng hay không phụ thuộc vào quần chúng nhân dân, không có sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, không được nhân dân tự giác, tự nguyện tham gia thì thi đua yêu nước không thể tồn tại và phát triển.
 
     Về phương pháp của thi đua, Người yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ.
 
     Theo quan điểm của Bác Hồ, thi đua gắn liền với công tác khen thưởng, khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Chính vì vậy, Người vừa khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, vừa quan tâm đến công tác, khen thưởng, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương người tốt, việc tốt. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi nó vừa thiết thực, dễ hiểu, dễ đi sâu vào cuộc sống, lại vừa sâu sắc, toàn diện và hệ thống. Người cho rằng, muốn tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, trước hết phải hiểu rõ bản chất, mục đích, nội dung, cách thức, mức độ và ý nghĩa của thi đua. Nội dung thi đua phải gắn với nhiệm vụ của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng, đó là thi đua tăng gia sản xuất, thi đua thực hành tiết kiệm, thi đua khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cách thức thi đua phải phong phú, đa dạng nhằm gom góp sáng kiến, rút ra kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Mức độ thi đua là phải nâng cao dần mãi mãi. Như vậy, thi đua yêu nước theo Bác là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung.
 
     Người khẳng định: “Đảng phải lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước”; “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng” (4). Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của đất nước, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước đã có tác dụng to lớn, thiết thực, động viên khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức đoàn kết, phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, đem hết tài năng trí tuệ và sức lực phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
     Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và có sức sống mãnh liệt. Ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 39/CT-TW về việc “tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Ngày 23/01/2018, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 22-CT-TW về việc “đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018)”… Trên khắp đất nước, trong các ban, ngành, các giới, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang nổi lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi, rộng khắp như: phong trào xóa đói giảm nghèo, thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ xung kích; phong trào Vì an ninh Tổ quốc; rèn đức luyện tài, con cháu thảo hiền; phong trào xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa… Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới.
 
     Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong giai đoạn cánh mạng hiện nay, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
 
     Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điểm điển hình tiên tiến tạo nên phong trào rộng khắp ở các ngành, các cấp trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở.
 
     Hai là, tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực tự cường, gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống… tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức phát động các phong trào thi đua.
 
     Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo ra môi trường lành mạnh, trong sạch để nhân dân yên tâm phấn khởi, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, đồng thời tích cực gắn phong trào thi đua yêu nước với việc phát động toàn dân tăng cường đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
 
     Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng, thường xuyên đấu tranh phê phán, lên án những hành vi không lành mạnh, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua trong cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
------------------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.407
 (2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.444.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.522
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr.146.
 
 
         
                                                        ThS. Nguyễn Thị Hoa Phượng
          Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
 
|<<1 2 3 4 5 6 7 8 9 10...>>|

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top