Trang chủ > Khoa học - Thông tin - Tư liệu > Nghiên cứu trao đổi > ĐỔI MỚI Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH GIA LAI

ĐỔI MỚI Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH GIA LAI

20/11/2014
ĐỔI MỚI Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH GIA LAI -
NHÌN TỪ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
ThS Đỗ Văn Hòa
Trưởng phòng NCKH-TT-TL
   
     Đổi mới là tính tất yếu trong sự phát triển của xã hội. Đó là tư tưởng tiến bộ, là xu thế thời đại. Những người không có tư duy đổi mới, hành động đổi mới thường dễ bị sa vào bảo thủ, duy trì những cái đã lỗi thời, lạc hậu. Ngay như nhà văn hóa Alvin Tofler đã từng khẳng định tại một cuộc hội thảo lớn: Trong thời đại này, không đổi mới tư duy coi như mù chữ. Tuy nhiên, cũng không nên hiểu một cách đơn giản, đổi mới là nghĩ khác, làm khác cái cũ. Cái cũ có nhiều cái đã lạc hậu nhưng cũng còn không ít cái còn mới, còn đúng. Phủ định hoàn toàn, sạch trơn cái cũ là cực đoan, dễ sa vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan, chủ nghĩa duy vật siêu hình. Vấn đề đặt ra là, cần vận dụng nó cho thích hợp với thời đại, với hoàn cảnh từng lúc, từng nơi, từng tình huống cụ thể.

     Cái mới ở đây cần quan niệm đúng, cần vươn tới, là cái thích hợp với yêu cầu của thời đại, cái phù hợp với thành quả của khoa học, kỹ thuật hiện đại, cái đáp ứng được với nhu cầu của thực tiễn. Dĩ nhiên, cái mới mà ta muốn thường khác với cái cũ, thậm chí ngược hẳn cái cũ nhưng dứt khoát phải là cái tiến bộ hơn cái cũ, giúp ta khắc phục được mọi sự trì trệ, giúp cho sản xuất, công tác và cuộc sống phát triển thuận lợi, nhanh chóng.
     Cái mới còn đồng nghĩa với cái cũ cải tiến, cái cũ hòa nhập được với xu thế của thời đại. Cái mới vẫn có mối liên hệ gắn bó mật thiết với cái cũ tích cực giàu chất khoa học và nhân văn. Cái mới về mặt khoa học là phủ định cái cũ nhưng suy cho cùng, cái mới cũng là con đẻ của cái cũ, nó lớn lên và “thoát thai” (theo như cách nói của C.Mác) từ trong lòng cái cũ và ánh sáng của thời đại, của những lực lượng tiến bộ đã chắp thêm đôi cánh, tiếp thêm sức mạnh cho nó bay cao, bay xa hơn mẹ nó. Do đó, cái mới có tính ưu việt đặc biệt nhưng không phải không còn sự dằn vặt, trăn trở; cái mới cũng có một dòng đời phức tạp khi nó đang chung sống cùng với thế giới cái cũ.
     Vận dụng phương pháp luận biện chứng đó vào công tác lãnh đạo, quản lý nhà trường, Ban giám hiệu nhà trường đã có những ý tưởng mới sáng tạo, nhận thức mới, tư duy đổi mới làm cho nhà trường có bước đổi mới mang tính đột phá trên cơ sở những điều kiện về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có mà không phá vỡ không gian của nhà trường. Đây là một bài toán khó nhưng không phải không thực hiện được. Thực tế đã chứng minh, năm học 2013 – 2014, nhà trường đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của trường. Do đó, những kết quả bước đầu đã mang lại hiệu quả ấn tượng, phát huy được những khả năng vốn có của nhà trường, tạo động lực mới trong sự phát triển đi lên của nhà trường ngày càng đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn địa phương. Có thể nhận thấy sự đổi mới được thể hiện trên các mặt cơ bản sau đây:

     Thứ nhất, đổi mới trong công tác chủ nhiệm lớp đó là các giảng viên, chuyên viên ở các khoa, phòng đều có thể tham gia đảm trách công tác chủ nhiệm lớp, chứ không phải tập trung ở một phòng như trước đây.
     Có thể nói, một trong những điều quan trọng của nhà trường chính là làm sao để công tác quản lý học viên đi vào nề nếp và đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng “quá tải” đối với một phòng nhằm tập trung vào công tác chuyên môn của phòng. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo nhà trường đã ban hành Quy chế công tác chủ nhiệm lớp, đây là điểm mới trong quản lý học viên của nhà trường. Trước đây, công tác chủ nhiệm lớp chủ yếu giao cho phòng Đào tạo quản lý, điều này đã dẫn đến thực trạng là một giảng viên hay chuyên viên của phòng làm công tác chủ nhiệm nhiều lớp cùng một thời điểm, do đó sẽ khó khăn trong việc quản lý các lớp như khó có thể quán xuyến tất cả sĩ số học viên của các lớp, khó theo dõi tình hình học tập của học viên,… chưa kể công tác chuyên môn cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu chỉ chú trọng đến công tác chủ nhiệm lớp, hơn nữa quy chế công tác chủ nhiệm lớp cũng chỉ dựa trên Quy chế chủ nhiệm lớp của Học viện chính trị- hành chính quốc gia Hồ Chí Minh mà không cụ thể hóa thành Quy chế công tác chủ nhiệm phù hợp với điều kiện của nhà trường. Hiện nay, công tác chủ nhiệm lớp không giao hoàn toàn cho phòng Đào tạo mà phân bổ cho giảng viên hoặc chuyên viên ở các khoa, phòng khác và thực hiện theo đúng những nội quy trong Quy chế công tác chủ nhiệm lớp của nhà trường được ban hành năm 2013 (Dựa trên cơ sở Quy chế chủ nhiệm lớp của Học viện), trong đó có quy định rõ trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, có khen thưởng và kỷ luật. Điều này góp phần khắc phục một giảng viên hoặc chuyên viên chủ nhiệm nhiều lớp cùng một thời điểm, đồng thời cũng giúp cho đội ngũ giảng viên, chuyên viên ở các khoa, phòng khác có điều kiện tham gia chủ nhiệm lớp để gần gũi, sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên, mặc dù ban đầu còn một số khó khăn nhất định.
     Thứ hai, đổi mới trong công tác đào tạo thể hiện ở sự đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm đáp ứng với yêu cầu của địa phương.
     Căn cứ Quy định số 256-QĐ/TW ngày 26/9/2009 của BCH Trung ương về việc xác định trình độ LLCT đối với cán bộ, đảng viên đã học LLCT ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh; và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương, nhà trường đã xây dựng chương trình bổ sung kiến thức để xác nhận trình độ tương đương trung cấp LLCT với 244 tiết. Đây là sự bổ sung cần thiết giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh có nhu cầu về xác nhận tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị trong Đảng để họ có điều kiện trong việc dự thi nâng ngạch công chức và bổ nhiệm các chức danh. Trong năm học 2013- 2014, nhà trường đã mở 08 lớp xác nhận trình độ tương đương trung cấp LLCT với 825 cán bộ, đảng viên được công nhận là tương đương với trung cấp LLCT. Như vậy, với chương trình này, nhà trường đã giúp tỉnh giải quyết phần nào nhu cầu đào tạo cán bộ, đảng viên dưới hình thức học ngoài giờ hành chính, tức là chỉ học vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, để đáp ứng với nhu cầu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, nhà trường cũng đã mở 03 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước với 299 học viên.
     Thứ ba, sự đổi mới còn thể hiện trong mối liên hệ, liên kết với các báo cáo viên trong tỉnh.
     Trước đây, vấn đề mời báo cáo viên ở ngoài nhà trường hầu như rất hiếm, chỉ tập trung ở một vài chuyên đề của chương trình bồi dưỡng. Nhưng hiện nay việc các báo cáo viên tham gia giảng dạy tại trường được tiến hành thường xuyên hơn bởi lẽ họ là những người đương chức hoặc đã nghỉ hưu có bề dày kinh nghiệm sâu sắc tham gia giảng dạy tại trường giúp học viên nắm bắt rõ hơn tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần làm phong phú kiến thức thực tiễn cho học viên. Trong năm học 2013- 2014, nhà trường đã mời khoảng trên 30 báo cáo viên (trong đó có 01 Phó giáo sư, 02 Tiến sĩ và 10 Thạc sỹ). Chính mối quan hệ này vừa tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên hiểu rõ hơn công tác đào tạo của nhà trường và tình hình học tập của học viên vừa giúp cho nhà trường có thêm lực lượng báo cáo viên với bề dày kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tại địa phương.
     Thứ tư, sự đổi mới hết sức quan trọng thể hiện rõ nét ở một trong những chức năng chính của nhà trường là công tác nghiên cứu khoa học.
     Trong những năm trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học dường như “đóng băng”, chỉ thể hiện trong một số hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của các lãnh tụ dưới hình thức tọa đàm hoặc Nội san. Nhưng từ năm 2013 đến nay, Hiệu trưởng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng khoa học nhà trường, đã làm “sống lại” hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường, với việc ban hành quyết định và quy chế hoạt động khoa học, xem công trình khoa học là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành công việc hằng năm của đội ngũ giảng viên, viên chức. Điều đó đã tạo động lực cho các giảng viên, viên chức quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường ngày càng mạnh hơn. Cụ thể là, năm học 2013-2014, nhà trường đã tổ chức biên soạn các tài liệu, giáo trình (do TS.Nguyễn Thái Bình- Hiệu trưởng làm chủ biên) phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của học viên như: Tài liệu “Bồi dưỡng QLNN (Chương trình chuyên viên)” (năm 2013), Tài liệu “Bổ sung kiến thức xác nhận trình độ tương đương” (năm 2014), Tài liệu “Câu hỏi và hướng dẫn trả lời về những vấn đề cơ bản trong chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính” (năm 2014), Giáo trình “Tình hình nhiệm vụ địa phương” (năm 2014). Hơn nữa, nhà trường cũng đã đăng ký thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong khu vực doanh nghiệp tỉnh Gia Lai” (do ThS.Phan Thị Nga- Trưởng khoa Xây dựng Đảng làm chủ nhiệm đề tài). Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học, các giảng viên và viên chức trong nhà trường cũng như cán bộ, đảng viên ngoài nhà trường đã tích cực tham gia viết bài đăng trên trang website của nhà trường. Do vậy, công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được quan tâm hơn, coi trọng hơn, tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của giảng viên và viên chức nhà trường.
     Thứ năm, nét đổi mới căn bản và rõ ràng nhất là ở công tác xây dựng, chỉnh trang bộ mặt nhà trường trở nên khang trang hơn, đẹp hơn và đầu tư máy móc, trang thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ cho dạy học. So với mấy năm trước đây, bộ mặt trường chính trị tỉnh Gia Lai hiện đã có nhiều đổi thay từ sân bê tông đến khuôn viên nhà trường, các phòng học, căn tin và khu ký túc xá đều được xây dựng, cải tạo lại một cách trang hoàng theo hướng xanh- sạch- đẹp đáp ứng với yêu cầu hiện nay. Chính sự đổi mới này đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên bầu không khí trong lành, tươi đẹp và ấm áp giúp cho học viên đến học tại trường cảm thấy phấn chấn, thích thú, thoải mái và an toàn. Từ đó, họ yên tâm hơn để tập trung vào việc học tập đạt hiệu quả.
hoa.png
     Một điều quan trọng nữa góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là nhà trường đã đầu tư trang bị máy móc, phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu projector, âm ly, loa, micro,… Nếu như trước đây nhà trường chỉ có khoảng 4 máy chiếu thì đến nay hầu hết các phòng học đều có máy chiếu. Điều này đã góp phần giúp cho đội ngũ giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ, tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực kết hợp sử dụng phương tiện dạy học hiện đại.
     Một nét đổi mới nữa mà không thể không nói tới đó là hệ thống thông tin của nhà trường ngày càng được củng cố hơn thể hiện ở chỗ nhà trường đã xây dựng được trang thông tin điện tử của mình và hệ thống cáp quang đường truyền internet không dây (Wifi) tương đối ổn định. Trang thông tin điện tử nhà trường đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp thông tin các hoạt động của nhà trường đến học viên và các tổ chức chính trị- xã hội một cách nhanh chóng và kịp thời.
     Mặc dù, với những đổi mới từ tư duy đến cách làm trên thực tế như đã trình bày ở trên, song nhà trường cũng đang gặp những khó khăn nhất định như: nhu cầu về đầu tư xây dựng lớn nhưng khả năng tài chính có hạn, nhận thức của một số viên chức chưa chuyển biến kịp với sự đổi mới của nhà trường, nhà thể thao cho viên chức và học viên để rèn luyện sức khỏe còn thiếu, chất lượng giảng dạy của một số giảng viên chưa đáp ứng với yêu cầu học viên,…Trong thời gian tới, để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, nhà trường sẽ tập trung vào một số định hướng lớn như sau:

     Một là, tiếp tục cải tạo, nâng cấp và xây mới một số công trình còn thiếu như nhà thể thao, kí túc xá, nhà công vụ,…theo quy hoạch của nhà trường.
     Hai là, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá đội ngũ giảng viên dưới nhiều hình thức, thắt chặt công tác quản lý các lớp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
     Ba là, chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều hơn nữa nhằm nâng cao trình độ lý luận, khả năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và viên chức nhà trường.
     Bốn là, tăng cường mối liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên đáp ứng với nhu cầu của địa phương.
 
|<<1 2 3 4 5 6 7 8 9 10...>>|

VĂN BẢN MỚI

THÔNG BÁO

LIÊN KẾT WEBSITE

Go to Top