23/04/2014
Học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh trong vòng 5 năm trở lại đây đều biết cô giáo Vũ Thị Thảo với vóc người mảnh mai, xinh xắn lại rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, nhã nhặn đúng mực trong quan hệ với mọi người. Đặc biệt, cô còn là P. Bí thư chi đoàn trường năng nổ được nhiều người mến mộ, tin yêu.
Xuất thân trong gia đình lao động nghèo ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bằng nghị lực vượt khó, sự cần cù siêng năng trong học tập và cả ý chí sớm biết tự lập trong cuộc sống nên cô mạnh dạn thi vào khoa Lịch sử Đảng, trường đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong sự vui mừng và cả nỗi lo thân gái dặm trường “Hành phương Nam” nhất là của bố mẹ, người thân. Tốt nghiệp xếp loại khá, thu xếp hành trang về với Gia Lai nơi không có người thân, lẫn người quen trong sự ái ngại ở cả những người làm công tác tổ chức khi hỏi đến. Nộp hồ sơ, thi tuyển được lọt vào “vòng chung kết” rồi trở thành giảng viên khoa Xây dựng Đảng của trường như hiện nay. Những năm đầu, với đồng lương viên chức ít ỏi, ngoài thời gian hành chính cho việc theo lớp dự giờ đồng nghiệp đi trước; tự học, tự nghiên cứu bổ sung kiến thức, hoàn thiện kĩ năng lên lớp, nâng cao năng lực chuyên môn… để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, giảng viên trẻ Vũ Thị Thảo còn tranh thủ thời gian làm gia sư cho một gia đình có con học THCS và tiểu học. Với vóc dáng “siêu mỏng” thời con gái, thế nhưng cô lại là MC rất sôi nổi với giọng nói khỏe, trong và rõ từng âm tiết trong các buổi liên hoan văn nghệ, ngày Quốc tế thiếu nhi…do trường tổ chức. Và có lẽ chính một phần nhờ vào sự năng động, quãng giao, chỉ sau hơn 2 năm về với Phố núi cô đã lên xe hoa với một kĩ sư kinh tế. Tổ ấm gia đình ấy càng được đắp vun nhờ có thêm cậu con trai bụ bẫm, kháu khỉnh hơn 3 tuổi.
“Ngay sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, em liên tục giảng hết lớp này sang lớp khác cho cả phần bài của thầy trưởng khoa vừa nghỉ hưu. Nhiều hôm phải dậy sớm từ 4 giờ sáng lo cho con nhỏ rồi khăn che, áo chắn xe máy đến thị trấn ChưPrông giảng bài, cuối chiều lại dong xe về với con”, cô nhớ lại.
Không tính năm cô giáo Thảo sinh con mọn, các năm còn lại đều giảng vượt định mức chuẩn 260 tiết/năm; được xếp loại viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2013, cô vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng; được bầu làm P. Bí thư chi đoàn trường nhiệm kì 2012-2014. Cũng trong năm này, Thảo đạt danh hiệu: “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai tặng bằng khen: Có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2013.
Khi nói về những thành tích, cô Thảo luôn nhắc đến người chồng hết mực yêu thương đã thông cảm, tận tụy sẻ chia việc nhà để cho cô có nhiều thời gian “giỏi việc nước”.
VÀ NHỮNG DỰ ĐỊNH KHÔNG XA
Hiện giảng viên Vũ Thị Thảo đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc thi giảng viên giỏi cấp Học viện do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 2 năm một lần dành cho khối các trường chính trị tỉnh, thành phố tổ chức vào tháng 8 tới. “Trước mắt tôi phải vượt qua được vòng sơ tuyển cấp trường rồi mới tính đến chuyện “đem chuông đi đánh xứ người”. Mà chuông đánh thì phải vang, vì đâu chỉ là danh dự cá nhân mà cho cả trường”. Cũng trong năm 2014 này, Thảo là một trong số những giảng viên được phê chuẩn ôn thi cao học. Ngoài môn chuyên ngành, sức ép môn ngoại ngữ cho kì thi đã cuốn hết cả thời gian cho riêng mình của cô.
ThS. Ksor Hội, P. Trưởng khoa Xây dựng Đảng nhận xét: “Tuy không có chức danh thư kí khoa nhưng đ/c Thảo là người đảm nhiệm rất tốt công việc này. Riêng với ý kiến đề xuất: Nội dung đi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hàng năm của giảng viên, khoa ta nên chú trọng việc khảo sát chất lượng làm việc của học viên sau khi tốt nghiệp. Vì, nếu chỉ dừng lại ở nội dung khảo sát, tìm hiểu đánh giá phản ứng của người học về nội dung, chương trình, thời lượng, giảng viên, cách tổ chức…; đánh giá kết quả học tập thông qua những bài kiểm tra để biết học viên tiếp thu được gì từ khóa học mới chỉ là điều kiện cần, đôi khi thiếu sự khách quan, trung thực”. Cho thấy cô Thảo là người có tư duy phản biện